• Công ty TNHH Công nghệ Chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ và An ninh NDTC

Nữ cảnh sát Hà Nội: Đam mê hơn cả một nghề

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, NDTC Fire & Security xin gửi những lời chúc tốt đẹp và sự tri ân sâu sắc tới các chị em phụ nữ đã luôn luôn thật tuyệt vời và mạnh mẽ. Mong ước cho ngày hôm nay 8/3 và tất cả những ngày khác trong năm của phái nữ sẽ ngập tràn trong hạnh phúc và niềm vui! NDTC Fire & Security xin gửi tới các followers của fanpage bài báo vinh danh nữ cảnh sát Hà Nội, như một tấm gương người phụ nữ mạnh mẽ theo đuổi ước mơ và sống thật đẹp:
 
NỮ CẢNH SÁT HÀ NỘI: ĐAM MÊ HƠN CẢ MỘT NGHỀ
 
Sau hiệu lệnh, những chiếc xe cứu hỏa bắt đầu hú còi, lao ra cổng, gấp gáp và khẩn trương. Trong số những người lính tham gia tác chiến ấy, luôn có một nữ cảnh sát can trường và gan dạ. Đó là Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan, người được mệnh danh là bông hồng thép của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hà Nội.
 
 
Đam mê vượt qua mọi nỗi sợ
 
Ngồi trước mặt tôi là một người phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp với nụ cười tươi như hoa. Hình như bộ quân phục không làm giảm đi chút nào sự dịu dàng đầy nữ tính ấy. Tôi hình dung, khi tác chiến treo mình lơ lửng trên những tòa nhà cao tầng hay lúc xông vào biển lửa, cả khi lặn sâu xuống lòng sông, đáy hồ thì nét dịu dàng ấy sẽ biến chuyển như thế nào?
 
“Thực ra lúc đầu mình cũng sợ độ cao, nhưng khi bước vào tập luyện, hình như đam mê đã đánh gục mọi nỗi sợ hãi. Trong một lần huấn luyện, đu dây từ tòa nhà 11 tầng xuống, đến nửa đường thì dây bị rối, người treo lơ lửng trên không, khi tiếp được đất, cảm giác như cả hai chân mình khuỵu xuống. Thế nhưng nỗi sợ ấy cũng chỉ thoáng qua, nó như chất xúc tác tôi luyện nên bản tính can trường của người lính Phòng cháy chữa cháy”, chị Lan chia sẻ.
 
Theo lời nữ Đại úy, để tác chiến được ngoài hiện trường người lính cần trải qua một quá trình rèn luyện khắt khe không ngừng nghỉ. Muốn tránh được rủi ro, tai nạn buộc phải vững về tâm lý, giỏi về nghiệp vụ, đặc biệt là phải có thể lực tốt và khả năng xử lý tình huống nhanh. Xòe đôi bàn tay nhỏ nhắn đầy những vết chai sần, phồng rộp, chị bảo, hình như không giống tay phụ nữ lắm nhỉ, nhưng nó là đặc trưng của lính cứu hỏa đấy.
 
Gia đình có có duyên với quân phục, bố mẹ cũng là người trong nghề nên từ nhỏ Lan đã mơ ước sẽ có ngày mình được đứng trong hàng ngũ lực lượng Công an nhân dân. Lớn lên ước mơ đó cứ xa dần vì vóc dáng nhỏ bé, cô không đủ điều kiện để xét tuyển vào đại học an ninh, đành rẽ sang học Y khoa.
 
Học ngành Y, nhưng cũng là cơ duyên, Lan được nhận về làm việc tại Cục Cảnh sát bảo vệ (giờ là Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động), sau đó là Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, và sau này trở thành nữ chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP. Hà Nội).
 
“Lúc đầu sang đây chỉ định làm công việc văn phòng nhưng hàng ngày chứng kiến anh em luyện tập thì ngọn lửa đam mê như được thổi bùng lên. Tôi quyết định thi vào Đại học Phòng cháy chữa cháy, đến khi thành lập Đội cứu nạn cứu dưới nước hộ liền xung phong về đầu quân. Đấy cũng là bước khởi đầu đánh dấu con đường chiến đấu của nữ Đại úy.
 
Chạy đua với thời gian để cứu người
 
Lửa cháy ngùn ngụt, khói đen mù mịt, những tiếng kêu thất thanh, hoảng loạn là cảnh thường thấy tại các đám cháy, nhất là tại các chung cư, tòa nhà cao tầng. Nhận lệnh lên đường, những người lính cứu hỏa phải lao vào những nơi mà người khác đang tháo chạy để bảo toàn tính mạng.“Chỉ cần xác định có người mắc kẹt thì dẫu có là biển lửa chúng tôi cũng sẵn sàng lao vào. Bởi nếu chờ dập lửa thì nạn nhân không đủ thời gian để sinh tồn, như thế việc cứu nạn còn ý nghĩa gì” – Đại úy Lan chia sẻ và cho biết, vụ sập nhà ở số 43 phố Cửa Bắc là một điển hình. Ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Vật liệu tường gạch, sàn bê tông, mái tôn chồng lên nhau, tạo thành nhiều tầng, nhiều lớp. Các phương án khẩn cấp được đưa ra với mục đích tìm được người nhanh nhất. Chúng tôi không chỉ làm theo mệnh lệnh của chỉ huy mà còn là mệnh lệnh của trái tim, chạy đua từng giây từng phút để cứu người.
 
Quá trình tác chiến, chị bảo không sợ hiểm nguy, không sợ đương đầu với khó khăn, gian khổ chỉ sợ mình đến không kịp để cứu người và bảo vệ an toàn tài sản của nhân dân. Và đã có những sự vụ mình đành bất lực, còn trái tim đau nhói.
 
Làm việc trên cạn đã khó, nhưng ở dưới nước còn gian nan hơn rất nhiều. Nhiệm vụ của người lính cứu nạn cứu hộ là mỗi khi có người bị mất tích, tai nạn hay tự tử là phải lặn xuống sông hồ để mò, tìm. Lần đầu tiên khi tham gia tác chiến tại hồ Linh Đàm, nữ Cảnh sát đã bị sốc. Dòng nước đen ngòm ở hồ không giống như dòng nước trong xanh trên biển nên chị đã phải vận dụng tất cả các giác quan để cảm nhận. Trong khi vô số mảnh vỡ sắc nhọn, chai lọ trơn trượt, cả gạch đá nằm ngổn ngang dưới đáy hồ khiến cảm giác an toàn trở nên mong manh vô cùng, kể cả khi có đồ bảo hộ.
 
Trong mỗi lần tác chiến như thế, chị bảo, mong nhất là tìm được người bị nạn nhưng cũng hồi hộp và sợ nhất khi tìm thấy, bởi cái cảm giác chạm vào tử thi nó ám ảnh vô cùng, nhất là với phụ nữ.
 
Đúng là, kiến thức có thể học, sức khỏe có thể rèn luyện, song nếu không có lòng dũng cảm sẽ không bao giờ dám đương đầu với những hoàn cảnh nguy hiểm như thế. Nhưng ở Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan, đồng đội đã nhận thấy, chị hội đủ các yếu tố của một người chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy gan dạ, can trường.
 
Không chỉ có nhiệm vụ tìm người, mà trong các vụ án, nhiều tang vật gây án đã bị các nghi phạm ném xuống nước nhằm thủ tiêu chứng cứ. “Một lần tôi lặn xuống sông Hồng làm nhiệm vụ, đeo trên người bình thở và các dụng cụ hỗ trợ khoảng 25kg nhưng vẫn không thể chạm chân xuống đáy. Thế là lại phải ròng thêm 3 cục chì, mỗi cục 5kg mới tiếp cận được đáy sông. Dòng nước chảy siết khiến không ai có thể trụ vững. Có những lúc không biết mình thở chưa và thở như thế nào nữa”, Đại úy Lan nhớ lại.
 
“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”
 
Gần 20 năm công tác trong ngành, với đủ vị trí công tác từ cứu nạn trên không và dưới nước, nhưng nhiệt huyết và đam mê với nghề chưa bao giờ vơi cạn. Người nữ cảnh sát ấy cũng chưa bao giờ nghĩ mình có tuổi. Chị bảo, lửa chiến đấu luôn cháy trong người. Cứ nghe hiệu lệnh là lại muốn lên đường, bởi ở đâu đó có những người gặp nạn đang rất cần được cứu giúp.
Theo Phó Phòng Cảnh sát Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Trương Đức Dũng thì xét cả về chuyên môn và năng lực thực tế, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan luôn xứng đáng là số 1 trong mảng chiến đấu. Mặc dù là nữ nhưng trong công tác huấn luyện và chiến đấu đều như nam giới. Khi lặn sâu hay treo mình trên cao, thoát nạn thoát hiểm nhà cao tầng chị đều hoàn thành tốt công tác huấn luyện và thực chiến. Có những công việc ngay cả nam giới cũng khó có thể hoàn thành nhưng đồng chí Lan đã làm rất tốt.
 
“Đây là một chiến sĩ được đào tạo hoàn chỉnh về công tác cứu nạn cứu hộ, lại có thêm kiến thức ngành y. Có bằng lặn và chứng chỉ quốc tế. Nói chị Lan là điển hình, là toàn diện thì hoàn toàn xứng đáng. Nghề này phải chấp nhận được ở độ cao, độ sâu, trong điều kiện không có chút ánh sáng, không ôxi. Nhưng ngoài thể lực, sức khỏe, phẩm chất chính trị, đồng chí Lan còn là một người nổi bật so với các nam giới, nhất là trong quá trình thực chiến dưới nước, chị Lan có thể lặn tới độ sâu hơn 30m. Không những vậy, trong năm 2020 chị Lan xuất sắc đạt 3 huy chương vàng đơn nữ giải bắn súng ngắn quân dụng do báo An ninh Thủ đô tổ chức” – lãnh đạo của chị vô cùng tự hào nhận xét.
 
Khi tác chiến, chị là một nữ Cảnh sát dũng cảm, can trường. Nhưng cởi áo lính, trở về với cuộc sống thường ngày chị lại là một người mẹ, người vợ tận tâm, người con hiếu thảo, chị luôn biết cách giữ ấm ngọn lửa gia đình. Hai vợ chồng đều là Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bố mẹ chồng cũng trong ngành Công an, nên mọi người rất thấu cảm và chia sẻ cùng nhau.
 
“Chả thế mà có những đợt tôi phải đi tập huấn dài cả tháng trời, nhớ nhà, nhớ con đến thắt lòng, nhưng ông bà nội vẫn gọi điện động viên: Con cứ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, ở nhà đã có bố mẹ. Đó là chính là yêu thương, cũng là động lực lớn lao, tiếp sức cho những người nữ Cảnh sát như tôi” – Đại úy Lan chia sẻ.
 
Con chị, cả hai cháu đều rất tự hào với bộ quân phục mà mẹ chúng mặc trên người. Con trai tự hào bảo mẹ giỏi như siêu nhân, thoăn thoắt trong biển lửa để cứu được bao người an toàn. Con gái lại bảo, mẹ dịu dàng và đẹp nhất là khi vào bếp chuẩn bị bữa tối cho cả nhà mình.
 
Trước câu hỏi tại sao lại chọn công việc dành cho nam giới đầy hiểm nguy và áp lực, sao không chọn con đường dễ đi hơn, nhẹ nhàng phù hợp với phụ nữ hơn, chị Lan chỉ cười và cho biết: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn đi con đường này. Hiện tại, thấy mình vô cùng tự hào với những ngôi sao lấp lánh trên vai, cũng vô cùng tự hào với trách nhiệm và sự tận hiến. Mỗi nghề đều mang lại thú vị riêng”.
 
Hỏi chị thích nhất điều gì? Nữ Đại úy bẽn lẽn: “thích nhất là khoảng thời gian huấn luyện, được đu dây, treo mình trên những tòa tháp cao, ngắm nhìn thành phố lúc bình minh, thấy đẹp và bình yên vô cùng”.
 
Bóng chị khuất dần sau những chiếc xe cứu hỏa, rồi lại vội vã, gấp gáp sẵn sàng chờ hiệu lệnh lên đường bất cứ lúc nào. Cầu mong người phụ nữ ấy luôn cháy mãi đam mê với nghề, trong mọi hoàn cảnh luôn giữ lửa chiến đấu, lửa yêu thương, xứng đáng với 8 tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ đã tặng./.
 
Theo PV Thu Hà – Báo người Hà Nội