• Công ty TNHH Công nghệ Chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ và An ninh NDTC

Phương pháp chống chuột trong công tác bảo dưỡng phương tiện chữa cháy

Với tiêu đề như trên, độc giả đã có thể nhận biết tức thời nhân vật chính của bài viết này là gì: Chuột. Đây là kẻ đã tiêu hủy lương thực đủ nuôi 200 triệu người mỗi năm, là nỗi khiếp sợ kinh hoàng của các bà nội trợ, là loài vật đáng ghét nhất của mọi gia chủ và là kẻ thù số một của tất cả chủ nhân của các phương tiện giao thông; ô tô, xe máy v.v… Không những chuột bị con người xua đuổi trong các hộ dân cư và trên các xe cơ giới, chúng còn chẳng bao giờ được chào đón tại các phương tiện trong các ngành chuyên biệt, đặc biệt là ngành PCCC & CNCH với các loại xe chữa cháy, xe thang, xe cứu hộ v.v… Sự xuất hiện của loài vật thuộc bộ gặm nhấm này đã khiến các lãnh đạo của các Sở và đội PCCC đau đầu trong bao nhiêu năm qua và khiến biết bao khó khăn, trắc trở trong việc vận hành xe ngày càng chồng chất. Tuy nhiên, với phương pháp xử lý đúng cách cùng sự kiên trì trong việc giải quyết triệt để vấn đề, chuột sẽ không còn là một rắc rối nan giải nữa. Sau đây, Thông tin Công nghệ Phòng cháy Chữa cháy Số tháng 03/2017 xin đưa ra một số phương pháp để phòng chống chuột trong công tác bảo dưỡng phương tiện chữa cháy.

Như chúng ta đã biết, khoang máy ôtô là nơi hoạt động của động cơ và các thiết bị chính trên xe, có nhiều không gian hở và ngóc ngách nên dễ bám bẩn trong quá trình sử dụng xe. Các xe đậu ngoài bãi hoặc các hầm đỗ ẩm thấp đều là nơi ưa thích để chuột chui vào khoang máy làm ổ. Khi chuột đã tìm được nơi lý tưởng để làm ổ, chúng sẽ tha rác và các thức ăn vào khoang máy, kết hợp với phân, nước tiểu của chúng tạo nên mùi khó chịu hút vào trong lọc gió động cơ. Đây cũng là dấu hiệu nhận biết có chuột trong khoang xe. Dấu hiệu khác là, trong một số trường hợp, xe chữa cháy đang hoạt động bình thường bỗng dưng bị mất tín hiệu còi, đèn hoặc gạt mưa do chuột cắn dây điện. Trường hợp xấu nhất là chuột bị chết trong khoang máy làm mùi chuột chết rất khó chịu.

Do đặc tính hay cắn phá nên khi chuột vào khoang máy chúng sẽ làm dây điện và các bộ phận khác trong khoang máy gây nguy cơ cháy nổ và mùi khó ngửi trong xe. Dây điện bị cắn hở có khả năng phát ra các tia lửa điện trong túi dây, nếu các đoạn dây hở đó gặp đường xăng chảy từ tuy-ô gây nguy cơ cháy xe. Nhiều trường hợp khác, chuột cắn bình chứa nước làm mát động cơ, dẫn tới tình trạng rò rỉ làm cho động cơ bị nóng lên gây ra những hỏng hóc khác trên xe. Thậm chí dây curoa thắt vào khiến chuột chết trong khoang xe.

Cách đuổi chuột hiệu quả nhất là thường xuyên vệ sinh khoang máy và các khoang thiết bị nhằm loại bỏ hoàn toàn phân, nước tiểu, thức ăn và ổ của chuột. Bởi vì khi nơi cư trú của chuột bị loại bỏ, chúng sẽ không quay trở lại làm tổ nữa. Bên cạnh đó, việc duy trì lịch làm sạch khoang máy và khoang thiết bị thường xuyên sẽ tăng khả năng phát hiện các hỏng hóc cũng như gây mất an toàn ngay khi có chuột phá hoại. Không những vậy, theo ý kiến của các chuyên gia phòng cháy chữa cháy quốc tế, bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ, hằng ngày các chiến sĩ, đặc biệt là những người phụ trách trực tiếp công việc lái xe cần phải sử dụng xe từ 1-3 lần/tuần. Thao tác này có hai mục đích chính. Trước hết, các chiến sĩ cần phải vận hành xe thường xuyên để động cơ luôn được hoạt động một cách đều đặn, nhiệt độ luôn ở mức từ ấm đến nóng để tránh việc chuột cư ngụ trong xe trong thời gian dài. Bên cạnh đó, việc sử dụng xe và thao tác vận hành chữa cháy hàng tuần cũng góp phần nâng cao tay nghề của các chiến sĩ theo thời gian.

Bên cạnh đó, hiện nay còn có một số cách khá phổ biến để chống chuột như: dùng túi chống chuột ôtô, tinh dầu chống chuột, máy đuổi chuột trên ôtô, xịt thuốc xịt muỗi vào khoang máy, treo băng phiến đuổi chuột (dùng long não đuổi chuột), treo đuôi mèo khô trong khoang máy, lắp lưới mắt cáo dưới gầm xe, đặt thuốc diệt chuột…

Cần phải khẳng định một điều rằng những phương tiện chuyên dụng như xe chữa cháy hay xe thang là những phương tiện phải trải qua rất nhiều công đoạn chọn lọc kỹ càng, quá trình đấu thầu phức tạp cùng chi phí mua sắm lớn. Bên cạnh đó, những chiếc xe này còn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người. Bởi vậy, bảo trì bảo dưỡng là một khâu vô cùng quan trọng để một phương tiện được vận hành lâu dài phục vụ công tác PCCC & CHCN, ngay từ những công việc nhỏ nhất như ngăn chặn chuột. Với tất cả những phương pháp trên đây, cùng sự kiên trì và quyết tâm của đội ngũ quản lý xe, hy vọng rằng Chuột sẽ không còn là một vấn đề nan giải và là chướng ngại vật hàng đầu trong công tác vận hành phương tiện chữa cháy trong tương lai.

NHỮNG CÁCH PHÒNG CHỐNG CHUỘT PHÁ HOẠI TRÊN XE CHỮA CHÁY HIỆU QUẢ NHẤT:

– VẬN HÀNH XE THƯỜNG XUYÊN, TỐI THIỂU 1 – 3 LẦN / TUẦN

– VỆ SINH XE SẠCH SẼ

– SỬ DỤNG THIẾT BỊ SÓNG ÂM ĐỂ ĐUỔI CHUỘT