• Công ty TNHH Công nghệ Chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ và An ninh NDTC

CHUYỆN ĐỜI LÍNH CỨU HỎA

Trong khói lửa họ bị cháy sém da thịt, nhưng chưa bao giờ bị “cháy sém” lòng nhiệt huyết với nghề. Họ chính là những người lính cứu hỏa ngày đêm chiến đấu với “giặc hỏa” để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Năm nào cũng vậy, gần đến cuối năm là các lính cứu hỏa đều nơm nớp lo sợ “có việc phải làm”. Dù rất yêu nghề, nhưng họ luôn mong được “thất nghiệp”. Bởi, tết đến đồng nghĩa với việc các trung tâm thương mại, dịch vụ, các khu chợ thường tập trung rất nhiều hàng hóa, nhiều kho tận dụng chứa hàng không còn chỗ đi, kể cả nhà ở cũng được làm nơi chứa hàng hóa bán và đây cũng là dịp diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, tập trung đông người khiến cho người dân chủ quan, lơ là đến việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Đời khói lửa
Mặc dù vài năm trở lại đây, song song với việc thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC, tự nâng cao ý thức về việc PCCC, các tiểu thương ở chợ cũng tự trang bị những phương tiện chữa cháy cho riêng mình và tham gia nhiều lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy. Tuy vậy, với tinh thần chủ động, các chiến sỹ luôn túc trực, miệt mài tập luyện để duy trì sức khỏe dẻo dai và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, sẵn sàng chiến đấu khi có hỏa hoạn xảy ra.

Cuối năm là thời điểm người ta kiếm tiền vui vầy bên người thân, còn đời lính cứu hỏa phải chịu cảnh “ôm vòi chữa cháy nhiều hơn ôm vợ con, ôm người yêu” và “Có cha mẹ nào lại muốn con mình đi theo nghề nguy hiểm? Nhưng nghề nào cũng là nghề, một khi đã chọn lựa thì phải sống hết mình với nghề. Lính cứu hỏa một khi đã yêu nghề thì dù nguy hiểm cách mấy cũng không thể làm họ nao núng”.

 Bình yên của người dân là hạnh phúc của lính cứu hỏa

 Đa số những người lính cứu hỏa nhìn vẻ bề ngoài trông họ rất hiền lành, nhưng khi đối diện với đám cháy mới thấy họ “khói lửa”, nhạy bén, xông xáo và gan lì. Chuyện lính cứu hỏa hy sinh bản thân để bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân là đều không tránh khỏi. Nặng nhất là hy sinh, còn nhẹ nhất cũng là bị lửa đốt thương tích đầy mình. Hơn ai hết, mỗi khi nhận được tin báo cháy, lính cứu hỏa đều thầm mong trong đám lửa vô tri vô giác ấy chỉ đơn thuần là tài sản chứ đừng bao giờ có bóng dáng của con người. Bởi, tài sản lỡ bị cháy đi thì còn có cơ hội làm lại, còn sinh mạng con người  không thể bù đắp được.

Đang ăn, đang ngủ hay làm bất cứ việc gì, khi nhận được tin báo cháy, đội xe và những người lính cứu hỏa chỉ được phép trong vòng 5 phút phải sẳn sàng xuất cổng. Chỉ cần chậm trễ vài phút là đám cháy đã “leo” khắp nơi khó kiểm soát. Theo kinh nghiệm, nếu đến kịp trong 10 phút đầu thì đám cháy dễ dàng được khống chế, nếu qua 10 phút đầu, đám cháy sẽ nhanh chóng bùng phát và lan qua các nhà bên cạnh. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi ấy, biết bao tài sản bị cháy rụi, chưa kể đến tính mạng con người gặp nguy hiểm.

Nỗi buồn nhất của lính cứu hỏa là khi nhận được tin báo cháy giả của những người thiếu hiểu biết, xem thường pháp luật. Những người ấy đâu biết rằng, khi nhận được tin báo cháy dù chưa tiếp cận hiện trường nhưng trong lòng của những người lính cứu hỏa nóng như tơ dò. Đâu phải đơn thuần là những người lính, mà là một đoàn xe gồm 5-6 chiếc nhanh chóng triển khai xuống hiện trường và phối hợp với các đơn vị khác. Nếu đấy chỉ là hiện trường giả thì sẽ gây náo loạn cho người dân, chưa kể đến vấn đề gây cản trở giao thông…

                                                                                                                                      Hương Hồ

(Tổng hợp từ báo Nhịp sống thời đại)